300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Thursday, May 9, 2019

Chỉ lỗi


Mỗi chúng ta đều tự biết bản thân mình không hề hoàn hảo. Chúng ta đẹp có người khác đẹp hơn, chúng ta tốt có người khác tốt hơn, chúng ta thông minh tài giỏi cỡ nào thì cũng có người tài năng và tuyệt vời hơn ta rất nhiều. Và trừ khi bị ảo tưởng che mờ, cố ý tự lừa dối - huyễn hoặc bản thân thì không một ai trong chúng ta dám khẳng định rằng mình là người hoàn hảo. Mà đã không ai hoàn hảo thì việc vụng về, sai sót, sai lầm có gì là đáng ngạc nhiên?

Vậy nhưng trong xã hội của chúng ta lại có quá nhiều lời chê bai – chỉ trích và quá ít lời khen ngợi - Cứ như lỗi lầm là điều gì đó rất hiếm có và đáng ngạc nhiên nên cần được chia sẻ rộng rãi - Còn việc tốt thì quá bình thường nên chẳng cần nói tới làm gì vậy!

Hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông, trên những trang mạng xã hội, chúng ta đua nhau chê trách người này, chỉ trích người kia, chỗ này sai trái, chỗ kia mất đạo đức, v.v…Đúng là chẳng có gì đáng khen trong những trường hợp sai lầm, lạc lối, nhưng trước khi buông ra những lời chỉ trích, chê bai những người sai phạm ấy thì có mấy ai trong số chúng ta đã tự nhìn lại chính mình? - Tự hỏi bản thân rằng chúng ta đã đủ tốt hay chưa? Đã sống đúng hơn họ hay chưa? Đã hiểu rõ hoàn cảnh của họ khi phạm sai lầm hay chưa? Và nếu cũng bị đặt trong tình thế đó, liệu chúng ta có thể giữ được mình mà không phạm lỗi như họ hay không?
Bác Hồ nói với một đồng chí cán bộ rằng: “Chú chỉ có đạo đức chừng nào chú đã qua thử lửa”, người Đức có câu: “Bạn không phạm sai lầm vì bạn chưa có cơ hội làm sai”. Khi tất cả người dân trong một thành phố điên cuồng đòi ném đá tới chết một người phụ nữ ngoại tình, Chúa Jesus đã nói rằng nếu ai chưa từng phạm sai lầm ở trong đời thì hãy ném viên đá đầu tiên – Thế rồi tất cả mọi người đều bỏ đi và người phụ nữ được thoát chết. Vậy trong thành phố đó đâu có ai là người chưa từng phạm lỗi! Và mỗi người trong chúng ta - ở trên khắp đất nước này - trên khắp địa cầu này, có ai là không phạm lỗi lầm?

Nhưng chúng ta là như vậy – Luôn khắt khe, cay nghiệt với người khác và xuề xòa dễ dãi với bản thân. Luôn có lý do để ngụy biện, bào chữa, bảo vệ cho việc làm sai trái của mình nhưng luôn có thừa luận điệu và lý lẽ để phanh phui, đào bới, nhấn mạnh – khoét sâu lỗi lầm của người khác. Khi người khác phạm sai lầm, ta nói rằng họ vô đạo đức – Gọi họ là cặn bã của xã hội! Nhưng khi mình “lách rào” làm những việc tiêu cực thì lại tự biện hộ rằng tại xã hội đều như vậy nên tôi mới như vậy và tôi “cần” phải làm như vậy để không thua thiệt trong xã hội? Nhưng luật Nhân Quả thì rất công bằng và khách quan – Chẳng cần biết ta làm điều xấu vì “bị xã hội ép buộc” hay “chủ động”, cứ sai ở đâu thì phạt ở đó - Cộng thêm lỗi chà đạp, phỉ báng, xúc phạm người khác thì chúng ta cứ việc trôi lăn trong luân hồi mà chịu khổ.

(*)

Vì đã chứng nghiệm lẽ tận cùng của luật Nhân Quả nên Đức Phật dạy chúng ta rằng, sở dĩ chúng ta phải trôi lăn trong biển khổ cuộc đời là vì chúng ta có “cái tôi” – Khi “cái tôi” của chúng ta quá lớn thì chúng ta sẽ hướng vào việc bảo bọc, yêu thương “cái tôi” – “cái thân tôi” một cách quá đà – Khiến cho chúng ta không ngần ngại mà xâm phạm, chiếm đoạt, tàn phá, hủy diệt những “cái tôi” khác và nhẹ hơn là bài bác, công kích, chỉ trích, soi mói - tìm điểm yếu của những “cái tôi” khác để hạ thấp họ, khinh khi họ - dùng mọi lời lẽ từ đao búa tới sâu cay hòng nhấn chìm họ xuống đáy bùn đen với chiêu bài “chỉ lỗi” để giúp “họ” tiến bộ - vì sự trong sạch của xã hội, v.v… - Nhưng bản chất thâm sâu là vì chúng ta đang muốn chứng tỏ mình “khác” với họ! Mình tốt đẹp hơn họ! Mình không bao giờ có bất cứ mối liên quan nào với những con người vô đạo đức đó! Mình sẽ không bao giờ hành động như họ và mình là người vô cùng thánh thiện, cao quý! – Ta đâu có biết phía sau những hành động chỉ trích quá khích ấy chính là sự kiêu mạn ngút ngàn đã thống trị tâm hồn và tiềm thức của ta suốt nhiều đời, nhiều kiếp.

“Cái tôi” kiêu mạn, ngông cuồng và ác độc - Luôn tự thấy mình là thanh cao, thánh thiện – Luôn muốn gom hết về mình những điều hay, điều tốt và nỗ lực hết sức đẩy sạch mọi tội lỗi, xấu xa về phía người khác. Nếu không kiểm soát được bản ngã thì ngay cả việc giúp đỡ người nghèo khổ - Rơi nước mắt vì người bất hạnh cũng chỉ là những động tác tô vẽ cho “cái tôi” của mình – Từ trong thâm sâu vô thức, cái “bản ngã” của mình đang muốn gào thét lên với cả Thế giới rằng "Tôi là người tốt đẹp".

Thiếu gì người làm việc tốt rồi khoe khoang? Thiếu gì người làm từ thiện rồi chi tiền mạnh bạo đăng truyền thông quảng cáo? Và tất cả chúng ta đều bị cảm giác tự thấy mình là người tốt dâng lên mạnh mẽ trong tâm hồn khi làm được bất cứ một việc thiện nào. “Cái tôi” hư ảo – Không hình, không tướng - Chính mình cũng không biết nó ở đâu, mặt mũi ra sao nhưng luôn bị nó thúc đẩy đi về hướng ích kỷ, lo nghĩ, bận tâm, ray rứt vì “mình” và những thứ “của mình” - Luôn bị thúc đẩy phải khát khao vượt trội hơn tất cả mọi người và luôn cho mình cái ảo giác bản thân đặc biệt hơn - khác biệt hơn so với phần còn lại của Thế giới!  

(*)
Chỉ trích là khoét sâu vào lỗi lầm của người khác để hạ thấp nhân cách của họ - Ngấm ngầm đề cao bản thân mình – Vừa khiến người đau khổ mà vừa khiến mình tăng trưởng sự kiêu căng – ngạo mạn – đổ vỡ đạo đức vì bước đầu là đã mất đi sự cảm thông và lòng thương yêu – Không ai trong lúc thương yêu mà có thể làm đau người mình thương yêu - Chỉ trích một người là lòng từ giảm đi một chút. Chỉ trích vài người là lòng từ giảm đi một nửa và chỉ trích quá nhiều người – ra đường gặp ai cũng không vừa lòng, cũng muốn chê trách, cũng muốn chỉnh đốn cho “vừa lòng” mình là dấu hiệu lòng từ đã “cất cánh bay xa”. Vậy nên Phật dạy ta không chỉ trích. Phật hướng ta phải tu tập lòng từ với cả những người xấu - những người phạm sai lầm. Không được bài bác họ một cách thô bạo, không được xa lánh – xua đuổi họ một cách quá khích mà trước hết phải luôn dành cho họ một sự cảm thông sâu sắc và chân thật – trao cho họ một niềm hy vọng có cơ sở rằng họ có thể thay đổi để chuộc lại lỗi lầm và làm lại cuộc đời. Và nếu có duyên thì phải tìm mọi cách giúp đỡ họ sửa đổi sai lầm - Chỉ ra cho họ thấy con đường đúng để đi, dìu dắt - nâng đỡ họ trong những bước đầu còn lạ lùng, bỡ ngỡ - một cách đầy chăm chú và kiên nhẫn với tình thương yêu không phân biệt - không kỳ thị. 

Tâm từ của những người Con Phật (Phật Tử) được thể nghiệm rõ nhất nơi những người mà mình căm ghét, những người mình coi thường – ghét bỏ, những người từng đối xử xấu xa với mình. Nếu yêu thương được những người đó thì ta tu hành có kết quả. Còn nếu chưa thì ta phải sâu sắc nhận thức rằng trình độ tu hành của mình còn quá kém dở - Trí tuệ của mình còn quá nông cạn - Chưa đủ sức tin hiểu vào Nhân Quả, chưa đủ sức thấy rõ được những sai lầm và đau khổ ở trong đời nên không khởi phát được lòng từ bi rộng lớn.  

Chỉ trích rõ ràng là không đúng, nhưng im lặng – không lên tiếng – không có bất cứ phản ứng nào trước lầm lỗi cũng không được. Vì như vậy là đồng lõa với cái xấu, là “hợp tác” – “tiếp tay” cho điều xấu tàn phá xã hội và sẽ phải nhận một quả báo thích hợp từ luật Nhân Quả công bằng. Nên ta phải biết cách khéo léo để chỉ ra lỗi lầm của nhau – cùng sửa sai cho nhau để cùng nhau hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn.

Đừng quá thô lỗ làm cho nhau mất “danh dự” – Chúng ta đều hiểu rằng cái tôi của mỗi người rất yếu đuối và dễ bị tổn thương, nên bằng tình yêu thương chân thành và sâu sắc - chúng ta hãy thật thông minh và sáng tạo để tìm ra giải pháp “giảm đau” thích hợp với đối tượng mà chúng ta muốn “chỉ lỗi” để họ có thể vui vẻ, dễ chịu thừa nhận lỗi lầm và quyết tâm sửa đổi.

Khen chín mới được che một. Vừa chê xong là ngay lập tức phải ngọt ngào xoa dịu. Bối cảnh “chỉ lỗi” phải lựa chọn cẩn thận về địa điểm, thời gian và trạng thái hoạt động – cảm xúc của người mình cần chỉ lỗi - Như đừng chỉ lỗi khi họ đang quá mệt mỏi, căng thẳng hoặc bận rộn. Đừng chỉ lỗi trước mặt nhiều người hoặc ở những nơi ồn ào khó tập trung. Đừng chỉ lỗi trong những thời điểm mà không khí quá ngột ngạt, nóng bức hay hối hả, v.v… - Phật dạy rằng, trong một buổi tối thảnh thơi, mát nhẹ - Bên dòng suối chảy róc rách êm đềm, những người bạn ngồi bên nhau chuyện trò tâm sự, dành cho nhau những lời “ái ngữ” - Chân thành bày tỏ sự biết ơn những điều tốt lành bạn đã mang đến và nhẹ nhàng - dịu dàng góp ý đôi điều chưa được hoàn hảo để giúp cả bạn và tôi cùng được vui vẻ - hạnh phúc hơn.

Chỉ lỗi là rất cần nhưng Chỉ lỗi là rất khó – Muốn chỉ lỗi “hiệu quả” - khắc phục được lỗi lầm mà không làm ai đau khổ thì ta cần phải có cả Trí Tuệ lớn và Tình Thương lớn. Và tình thương là Nhân để sinh ra Quả - có được trí tuệ thấy lỗi, chỉ lỗi "đúng Pháp" - Chỉ ra lỗi lầm mà vẫn đem lại an vui cho người. Vậy nên chừng nào ta còn chưa đủ lòng thương đối với người phạm lỗi – chưa kiểm soát được được ngã mạn (kiêu căng) và ác ý trong tâm mình thì thôi ta đừng chỉ lỗi – Vừa làm đau lòng người khác, vừa làm thất thoát số vốn đạo đức ít ỏi của mình. Biết nhìn ra lỗi, biết người phạm lỗi và phải biết cả người có khả năng thích hợp để “chỉ lỗi” – Nhờ tới người “thích hợp”  đó khi mình không đủ khả năng để chỉ lỗi - Như hãy nhờ các chú công an để chỉ lỗi cho các chú tội phạm – Đừng tự mình lăng xăng xông pha không thích hợp; Nhờ cô giáo – thầy giáo có năng lực và tình thương với học trò để chỉ lỗi cho bạn bè mình khi mình chưa có uy tín với nó; nhờ ba mẹ chỉ lỗi cho anh chị mình khi mình chưa đủ sức hiểu “chuyện gì đang xảy ra”; v.v…

(*)

Rất nhiều người tới với Phật để hỏi đạo lý và cũng rất nhiều người tới với Phật để ngang ngược thách đố, nặng lời chống phá, phỉ báng. Mặc dù biết rất rõ từng sai lầm nhỏ của họ, từng điểm yếu của họ nhưng Phật không bao giờ công kích, chỉ trích để làm cho ai phải mất danh dự hay buồn lòng. Luôn từ ái – Luôn tùy thuận - Nương vào những gì người đối diện có “thế mạnh” - Những gì họ hiểu rõ để nhẹ nhàng lập luận, gợi ý, đặt vấn đề - giúp cho họ tự nảy sinh hoài nghi về chính quan điểm lâu nay của mình - Rồi tự bác bỏ sai lầm lâu nay chấp giữ mà mừng vui tiến đến với chân lý – với sự thật. Nên bất kể ai sau khi tới với Đức Phật – dù trước đó họ lầm lỗi và sai phạm tới đâu thì cũng đều có thể tự mình nhận ra được lỗi lầm - nhìn ra được đạo lý. Họ hạnh phúc, hân hoan, mãn nguyện và tự nguyện đi theo chân lý vừa tự mình chứng nghiệm. Cứ như vậy trong suốt cuộc đời mình, Đức Phật đã tháo gỡ không biết bao nhiêu tư tưởng sai lầm (tà kiến) trên Thế gian - Soi rọi ánh sáng vào trong những tâm hồn tăm tối, loạn động, đầy sai lầm và trục trặc "tâm lý" của chúng ta.
Phật dạy những đứa con của mình (Phật Tử) điều đầu tiên là luôn phải ý thức rằng - Từ trong vô lượng kiếp đến nay, bản thân mình đã phạm rất nhiều tội lỗi (Nghiệp của chúng sinh rất nặng) nên trong đời sống phải hết sức khiêm hạ - Phải có lòng bi mẫn đối với muôn loài đang cùng chìm đắm trong sai lầm và đau khổ như mình - Phải tinh tấn tu hành thiền định, hướng vào bên trong – Tự thấy lỗi mình, hướng ra bên ngoài – Trang rải tình yêu thương tới không cùng không tận để một lúc nào đó, ta có thể thấy lỗi lầm của bất cứ ai trên cuộc đời dù lớn nhỏ cỡ nào cũng chính là lỗi lầm của ta - Có thể đồng cảm với tất cả - khoan dung, yêu thương với tất cả - Có thể đủ sức kiên trì, nhẫn nại, không quản ngại khó khăn vất vả mà giúp cho người thoát khỏi sai lầm, được đi trên con đường bình an, hạnh phúc - Trở thành một người  “Vô ngã” – “Vị tha” – Không gợn chút bóng dáng của “cái tôi” kiêu mạn mà “chỉ lỗi” cho cuộc đời - Giúp cuộc đời tốt đẹp dần lên như những gì Người và các vị Hiền Thánh Tăng suốt nhiều đời dấn thân thực hiện.

0 comments:

Post a Comment