Theo lẽ thường, tất cả các ngày kỉ
niệm trong năm – có “tầm cỡ” Quốc tế đều là để tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp
hay những sự kiện có tác động tích cực tới số đông mọi người. Như ngày Quốc tế
Lao động là để nhắc nhở cả thế giới phải quan tâm, chú ý tới số đông người lao
động đang từng ngày xây dựng thế giới nhưng vẫn còn nhiều điều thiếu thốn, khó
khăn. Ngày của Cha, ngày của Mẹ, lễ Vu Lan, tiết Thanh Minh – là để nhắc nhở mỗi
người về cội nguồn đã sinh dưỡng nên mình, giúp chúng ta biết cách ứng xử với
tiền nhân một cách xứng đáng – làm gương cho con cháu mình mai sau, v.v…
Vậy nhưng không hiểu tại sao lại
có một ngày “Cá Tháng Tư” để cả Thế giới được thoải mái “Nói dối” - Một điều
không phù hợp với đạo đức sống của con người chút nào! Chắc có lẽ cuộc sống này
buộc phải chân thật, nhưng chân thật thì quá áp lực nên một số người có ảnh hưởng
nào đó đã “đẻ” ra cái ngày này để số đông được "thoát khỏi" yêu cầu/đòi hỏi phải “chân
thật” của cuộc đời trong một ngày chăng? Nhưng dù sao thì cái ngày này đã gây ra không biết
bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười trên khắp thế giới – Ắt hẳn những người đau tim
sẽ rất sợ hãi mỗi khi “Mùa Cá” đến gần.
(*)
Nói thật là nói đúng – nói chính xác
– không pha tạp, thêm bớt những gì diễn
ra trong thực tế. Nói dối là “bóp méo” sự thật – bịa đặt, nói sai đi những gì
diễn ra trong thực tế theo ý muốn chủ quan của mình. Tại sao con người thường
nói dối hơn nói thật? – Cũng lại là vì những lợi ích cá nhân – Vì muốn cho “cái
tôi” của mình được “thỏa mãn”.
Có khi chúng ta nói dối để lấy được
nhiều lợi ích hơn cho mình (lấy “trộm” phần của người khác – vốn không phải của
mình), có khi chúng ta nói dối vì muốn “triệt hạ” một ai đó đe dọa tới lợi ích “bất
chính” của chúng ta! - Rất nhiều khi chúng ta nói dối vì muốn che đậy lỗi lầm của
mình và rất ít khi chúng ta nói dối để làm lợi cho người khác. Cho nên, nhìn
chung – Hành vi nói dối là sự biểu hiện của một nội tâm không trong sáng (nhà
Phật gọi là Bất thiện). Nói dối là cái “Nhân” gây ra cái "Quả" suy giảm đạo đức và uy tín về sau.
Ngược lại, nếu chúng ta luôn dám
nhìn thẳng vào sự thật – không quanh co, che đậy – thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm,
thật lòng biết lỗi – chịu phạt rồi quyết tâm sửa lỗi khi gây ra sai lầm thì nội
tâm chúng ta sẽ được thanh thản – Trong đời sống luôn cảm thấy dễ chịu, nhẹ
nhàng (do không phải từng giờ từng phút lo âu, căng thẳng, hồi hộp - bất an, gồng
mình lên để liên tục nói dối vì không muốn sự thật bị phơi bày). Việc thực hành
chân thật trong lời nói, trong cách nghĩ – việc làm được nhà Phật gọi là “Hạnh
chân thật”. Vì gian dối luôn đem lại lợi ích cá nhân ngay tức thì nên chúng ta
rất dễ sa ngã – buông xuôi mà vi phạm, còn chân thật luôn có vẻ bị thua thiệt –
yếu thế nên chúng ta rất khó để quyết lòng thực tập dài lâu. Vậy nên, những người
“phát tâm” – Có ý muốn thực hành “Hạnh chân thật” đều là những người có hạt giống
Thiện trong nội tâm rất nhiều.
(*)
Đức Phật chia nói dối ra làm hai
loại lớn - Một là những điều nói dối gây hậu quả nghiêm trọng – Ảnh hưởng xấu tới
nhiều người (Giới trọng), như dối lừa người khác rằng mình là thần thánh – lừa
đảo lòng tin của nhiều người để trục lợi cho bản thân và khiến họ bị lầm đường
lạc lối - Đi trong sai lầm, sống không đúng đạo lý để rồi phải chịu nhiều khổ
đau. Những thể loại nói dối còn lại được gom thành một nhóm đặt tên là “Tật nói
dối” (Giới khinh).
Người có "Tật nói dối" chỉ nhìn thấy
lợi ích vụn vặt trước mắt mà không thấy hết được những hiểm nguy lâu dài về
sau. Giấy không gói được lửa, sự dối trá nào rồi cũng tới lúc bị phơi bày, tới
lúc đó thì người nói dối sẽ phải trả lại cả vốn lẫn lời cho những lợi ích bất
chính trước đây đã vơ vét – Nhưng nghiêm trọng hơn là hành vi nói dối gây tổn hại
đạo đức và phước đức rất nhiều – Khiến cho ta dần bị mất nhân cách, trở thành một
con người mất uy tín và đáng khinh trong xã hội. Người luôn gian dối sẽ càng
lúc càng rời xa sự thật – Không có cơ hội để tìm ra được chân lý – Lẽ thật ở
trên đời và không có nhân duyên để được gần gũi, học hỏi, thân cận với những
người có uy đức lớn – Sẽ phải chìm dần vào tối tăm và đau khổ cho tới khi không
còn lối thoát.
Bạn có xem phim không? – Không ai
là không và không phim nào mà người có hạnh “Luôn nói dối” được nhận một kết cục
tốt lành trong tập cuối. Cuộc đời cũng vậy, những người gian dối – không chân
thật rồi sẽ đều bị phát hiện, bị khinh thường, xa lánh, ghét bỏ và thất bại.
Người quyết tâm giữ gìn được “Hạnh
chân thật” thì sẽ phải đối diện với rất nhiều thử thách khó khăn – Rất nhiều tình
huống phải chịu phần thua thiệt vì không đua chen tranh đoạt trong sai lầm và dối
trá như số đông đang bủa vây quanh mình. Nhưng khi tới một ngưỡng “đầy đủ” -
Trong nội tâm của người giữ vững được “Hạnh chân thật” sẽ phát khởi một sức mạnh
tiềm tàng – Giúp cho người đó không còn cảm thấy đau khổ, bất an trước những
thua thiệt trước mắt nữa – Giúp cho người đó luôn ở trong trạng thái ung dung,
bình thản, an nhiên, tự tại - Mặc cho hoàn cảnh xung quanh có náo động, bức
bách tới cỡ nào! Sự vững vàng này là phẩm chất của một người thủ lĩnh – Một người
có khả năng làm chỗ dựa cho nhiều người và vì vậy, mọi người xung quanh sẽ dần “nhìn
thấy” họ, tôn trọng họ, tin tưởng họ và họ sẽ thành công.
(*)
Như vậy, muốn giữ được “Hạnh chân
thật” thì ta phải luôn luôn nói thật và không bao giờ được phép nói dối dù bất
cứ hoàn cảnh nào?
Câu trả lời của Đức Phật là “Không
phải”.
Mục đích cao nhất của các đức hạnh
là thực thi “Thiện pháp” – Những điều mang lại lợi ích cho muôn loài và tuyệt
đối tránh các “Bất thiện pháp” –Những điều làm tổn hại tới muôn loài.
Với những việc làm tổn hại tới
muôn loài thì nói thật hay nói dối đều không được phép thực hiện. Như chúng ta
không được nói dối – bịa đặt để gây mâu thuẫn, bất hòa, chia rẽ mối quan hệ tốt
đẹp giữa mọi người – Và chúng ta cũng không được phép nói ra những sự thật có
thể gây rạn nứt, đổ vỡ những mối quan hệ đang bị lung lay. Như khi mẹ chồng và
nàng dâu đang xung đột với nhau, đang đau khổ vì nhau mà lần lượt từng người tới
với ta để tâm sự - kể xấu người còn lại thì ta không được phép mang toàn bộ những
lời lẽ “thật” mình nghe được từ người này kể lại với người kia – Làm cho hai
người càng “xa” nhau hơn. Trong tình huống này, một số người lựa chọn “Im lặng”
– nghe rồi cho qua; một số người chủ trương “nói dối” để đem lại “thiện pháp” –
Làm người trung gian ở giữa – thay đổi nội dung hội thoại từ hai người chê
trách nhau sang thành “khen ngợi – biết ơn” nhau – Để mối quan hệ được hàn gắn
nhanh chóng. Tuy nhiên, Đức Phật không khuyến khích điều này. Vì “Thiện Pháp”
nào được xây dựng trên nền tảng mong manh của gian dối thì cũng sẽ không được
bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, bất kể thiện ý ban đầu có lớn tới đâu thì đạo đức
của người tu hành cũng ít nhiều bị sa sút do "Nhân" nói dối mình đã chọn gieo.
Vậy nên phải biết rằng, “Hạnh
chân thật” không phải một cái khung sắt đóng chặt ta - không cho nhúc nhích.
Nhưng cũng không được quá “linh hoạt” vì “thiện pháp trước mắt” mà thiếu quán xét lợi
ích xa - gần theo Nhân Quả để rồi
tùy tiện hành động - Gieo "Nhân" xấu mà không xét kỹ thiệt - hơn. Chân lý không có nhiều – Đường đúng chỉ là một sợi tơ rất
nhỏ. Phải thận trọng cân nhắc từ những điều nhỏ nhặt nhất trước khi quyết định
thực hiện bất cứ điều gì.
Người cứng nhắc, nguyên tắc hay
thích phô trương “hạnh chân thật” – Không có sự kín đáo và không xuất phát từ một nội
tâm dũng mãnh, lương thiện thì đạo đức không tăng trưởng mà kiêu mạn sẽ mỗi lúc
một dâng cao. Nhưng người không sâu sắc kiểm soát nội tâm mình – Nông cạn,
hời hợt – Đụng đâu cũng tùy tiện nói dối - ngay cả những chuyện vặt
vãnh không ra sao thì dần dần lời nói sẽ mất “lực” – Người đó nói mà như không
nói. Người đó tồn tại mà như không tồn tại.
(*)
Một hình thức nói lửng lơ giữa
chân thật và dối trá là “Nói đùa” – Một cách định nghĩa, “Nói đùa” là lời nói dối
nhưng không có ác ý làm hại người khác mà lại có “thiện ý” làm vui lòng người
khác. Trong cuộc đời đau khổ, khó nhọc - Niềm vui và nụ cười là những liều thuốc
tăng lực hiệu quả mà không có tác dụng phụ, nên việc đùa vui mang lại sự dễ chịu
và tiếng cười cho mọi người là một điều thiện rất lớn. Nhưng không phải cứ ỷ
vào danh từ “Nói đùa” là muốn “đùa” sao, nói sao cũng được. Trước khi buông ra
bất cứ một lời nói đùa nào chúng ta cũng phải tự hỏi nội tâm mình một cách sâu
sắc, rằng: Lời “nói đùa” mà ta sắp nói ra đây là để mang lại niềm vui cho “người” hay cho
“mình”?
Nếu sau lời “Nói đùa” của ta mà
người khác cảm thấy buồn tủi, cảm thấy bị tổn thương – bị xúc phạm – Trong khi
mình và những người xung quanh đều cảm thấy vui vẻ thì ta đang mang người khác
ra làm "trò đùa" – Ta đang thực hiện một điều “Bất thiện”- Độc ác.
“Cái tôi” của mỗi người có một sức
chịu đựng khác nhau – Trước những đối tượng khác nhau và trong những hoàn cảnh
khác nhau. Muốn nói đùa “Đúng Pháp” – Khiến tất cả cùng vui – Thì ta phải cân
nhắc rất nhiều yếu tố như mối quan hệ giữa mình và người đó thân thiết tới mức
nào? Người đó có cảm thấy “an toàn” với mình hay chưa? “cái tôi” của người đó lớn
nhỏ ở mức nào? Tình trạng tâm lý và thể lực của người đó có thích hợp để tiếp
nhận lời “đùa vui” hay không? (vì thông thường, ẩn ý sâu xa trong lời đùa vui là tính
chất chọc ghẹo – hạ phẩm giá của người đối diện); v.v…
Sống vì người không dễ - Làm điều
thiện không dễ. Trước khi muốn làm bất cứ điều gì cho ai thì ta đều phải đầu tư
tình thương và sự quan sát rất kỹ lưỡng về họ - Phải nắm được một cách
rõ ràng - tường tận những điều có thể làm cho họ an vui để gắng hết sức làm - Những
điều khiến họ buồn phiền, tổn thương để gắng hết sức tránh. Vậy nên chỉ khi ta
nông cạn và hời hợt, lạnh lùng và vô cảm, ích kỷ và ngu si thì ta mới nói - mới
làm một cách không suy xét cẩn trọng – bất cần - không bận lòng tới người đối diện
chỉ vì chủ quan cho rằng bản thân mình không có “ác ý” là đủ.

Các nhà Tâm lý học hiện đại cũng chẳng có
giải thích và giải pháp nào khắc phục được hiện tượng “hiển nhiên” ai cũng gặp
phải này một cách triệt để - Chỉ có các nhà Nhân Quả học mới hiểu rõ nguyên do và có hướng đi hữu hiệu mà thôi.
Bằng kinh nghiệm đời sống và sự quan sát của bản thân, tất cả chúng ta đều không thể phủ nhận rằng - Tất cả những người duy trì được trạng thái tinh thần tích cực lạc quan đều là những người rất dễ gần, dễ mến và rộng rãi giúp đỡ mọi người (có nhiều yêu thương và luôn sẵn sàng cho đi yêu thương). Còn những người luôn sống trong trạng thái ủ ê, trầm uất, tiêu cực thì rất lạnh lùng, khó gần, khó nói chuyện hoặc bốc đồng, nóng nảy, hay cáu gắt, hơi chút là nổi giận - sân si và rất ít khi bận tâm, lo lắng tới "tâm tình" của người khác - Đây chính là "sự phán xử" của luật Nhân - Quả. Ta gieo "Nhân" buồn khổ (gây buồn khổ cho người khác) thì ta phải gặt "Quả" buồn khổ - Mà cứ càng buồn khổ thì ta càng mệt mỏi, kiệt sức - chán đời, ghét người rồi tiếp tục vung vãi những hạt giống buồn khổ vào cuộc đời mình qua cách đối xử khắc nghiệt, vô tâm với cuộc đời - Cứ như vậy mà vòng luân hồi - nghiệp báo cuốn ta trôi lăn - chìm nổi trong miên man đau khổ bất tận - Không dừng nghỉ.
Nên muốn thay đổi trạng thái - Chuyển đổi cục diện - Chuyển từ "Quả buồn phiền" sang "Quả an vui" thì ta chỉ có duy nhất một con đường là từng bước thực tập gieo trồng - chăm sóc những "hạt giống" an vui, tích cực.
Nên muốn thay đổi trạng thái - Chuyển đổi cục diện - Chuyển từ "Quả buồn phiền" sang "Quả an vui" thì ta chỉ có duy nhất một con đường là từng bước thực tập gieo trồng - chăm sóc những "hạt giống" an vui, tích cực.
Bạn có biết liệu pháp chữa trị ban đầu hữu hiệu nhất cho những bệnh nhân trầm cảm ở mức độ nặng là gì không? – Đó chính là việc cho họ tiếp xúc với thiên nhiên rộng lớn, sống trong thiên nhiên, chăm sóc cây cỏ và các loài thú vật nhỏ.

Chỉ khi dốc lòng cho đi thật nhiều niềm vui và sự quan
tâm chân thành thì tâm hồn ta mới "đủ phước" để được ở trong trạng thái an ổn, yên vui. Còn nếu
cứ hời hợt, hờ hững, biếng lười, ích kỷ thì đừng hỏi “Tại sao tôi buồn” nữa. Tất cả cũng chỉ vì chúng ta không hiểu Nhân Quả mà thôi.
(*)
Tóm lại là, muốn được ăn quả hạnh
phúc, an vui thì phải biết gieo nhân yêu thương, chân thành -chân thật trong suốt cuộc đời mình. Tất
nhiên là gieo hạt xong thì còn phải dụng công vất vả rất nhiều trong quá trình chăm
sóc, bảo vệ - Nhưng một khi đã tới mùa thu hoạch thì trái ngọt sẽ đầy tay và không
lo gì thiếu thốn. Đừng mãi lầm tưởng hạnh phúc sẽ đến từ những yếu tố bên ngoài. Hạnh phúc là trạng thái hài lòng, mãn nguyện của nội tâm - Muốn được bình an, hạnh phúc thì chỉ có duy nhất một cách là phải đem lại bình an và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Hạnh phúc không tự nhiên mà có – Không ai sẵn để
ban cho mà phải sáng suốt, thông minh lựa đúng hạt để gieo trồng và cực công
chăm bón.
0 comments:
Post a Comment