300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Monday, June 3, 2019

Đố kỵ


Bản năng sâu thẳm trong mỗi con người chúng ta là lòng “ích kỷ” – là “bản ngã” hay “cái tôi”. Vì có sự phân biệt “ta” (cái tôi) và mọi người quá rõ rệt mà chúng ta luôn có “cảm tưởng” rằng thành công của người khác là một sự “đe dọa” tới “danh dự” và “quyền lợi” của mình. Hễ ai giỏi hơn thì có nghĩa là ta dở hơn, ai đẹp hơn thì có nghĩa là ta xấu hơn, ai thông minh hơn thì có nghĩa là ta “đần độn” hơn, v.v… Chính vì lối mòn “bệnh hoạn” ấy trong tâm thức mà tất cả chúng ta đều đã từng có những lúc “chạnh lòng” trước thành công của người khác.

“Bản ngã” của chúng ta – “Cái tôi” của chúng ta luôn có xu hướng muốn “mình” là hay nhất, giỏi nhất – Nên trước những đối tượng có tài năng nổi bật hơn ta, có địa vị, tiền bạc, danh tiếng – uy tín – bạn bè, v.v…nhiều hơn ta thì “bản ngã” của ta đều bị “động chạm” – khiến cho ta có cảm giác khó chịu, bực bội ở trong lòng. Nếu không biết “xử lý” thì theo thời gian, tâm trạng khó chịu đó sẽ thúc đẩy chúng ta sinh “tâm” ghét bỏ, oán hận, thậm chí muốn triệt tiêu “đối thủ” bằng mọi giá. Đây chính là một trong những con đường ngắn nhất thúc đẩy chúng ta tiến tới thực hiện những hành vi bất thiện, độc ác, để rồi bản thân phải gánh chịu nhiều hình phạt khổ đau.

(*)

Chúng ta luôn nghe những người thành công và “từng trải” trong cuộc đời căn dặn rằng: “Muốn sống an ổn trong cuộc đời thì có tài phải biết dấu tài – Phải học cách giả ngu!”. Vì nếu tài năng của ta mà làm “kích động” tới “tâm” đố kỵ của những người xấu ác, liều lĩnh (hoặc thâm hiểm) thì họ sẽ bất chấp mọi thủ đoạn mà “vùi dập” ta xuống tận cùng. Cũng vì các “cấp cao” bất tài thẳng tay cắt ngọn, chặt cành nên người tài nhiều khi không có đất “dụng võ” – Người “quân tử” theo đạo Nho (coi trọng “danh dự” hơn tất cả) luôn “lánh đục tìm trong”, phó mặc cuộc đời cho kẻ xấu vì chẳng muốn tranh giành hơn thua với những kẻ thấp hèn mà làm “vấy bẩn” phẩm giá của mình.

Vậy nên, có tài mà không biết dấu tài - dùng tài đúng lúc, đúng chỗ thì cũng chẳng làm được quá nhiều điều tốt đẹp. Mà nếu quá coi trọng “danh dự” đến nỗi có thể vì “nó” mà bỏ đi cả tính mạng hay “chẳng thèm” động chạm tay chân phụng sự cuộc đời thì bản chất vẫn là lối sống “vị kỷ” – đầy “bản ngã” chứ chẳng hay ho gì.
Do đó, để sống “đúng” trong cuộc đời, đi trên “đúng” con đường Phật dạy thì ngoài việc “tinh tấn” hoàn thiện bản thân – gia tăng đức độ và tài năng phục sự cuộc đời, chúng ta còn phải luôn sáng suốt, tỉnh táo để ứng xử “cương – nhu” phù hợp trong từng hoàn cảnh và sẵn sàng vứt bỏ danh dự cá nhân “hư ảo” khi cần. Đạo Phật là con đường đi tìm "vô ngã" - Người chọn đi theo con đường của Đức Phật tới cái "ta" còn không màng thì có cái gì là "của ta"? - Có "danh dự" cá nhân nào mà phải nhọc lòng nắm giữ? 

(*)

Do lòng “đố kỵ” xuất phát từ nguyên nhân “chấp ngã” – ăn sâu bén rễ trong tim, trong óc của từng người, nên chừng nào chúng ta còn là con người, chừng nào chúng ta còn quan tâm tới cái đau của mình hơn cái đau của mọi người – Còn khổ sở với những nhu cầu của mình nhiều hơn bận tâm, lo lắng cho những thiếu thốn của mọi người thì chừng đó chúng ta còn”ích kỷ”, chừng đó chúng ta còn “đố kỵ” – Còn khó chịu, bực bội và có “nguy cơ” bị đẩy vào “đường ác” do thực hiện những hành vi “sai trái” với các đối tượng “vượt trội” hơn ta – “Kích động” vào tâm “đố kỵ”, ganh tị của ta.

Bản ngã thúc đẩy chúng ta đoàn kết trong khó khăn vì khi đó, sự sống của tất cả chúng ta bị cột chặt vào nhau. Người tuyến đầu gục xuống thì ngay lập tức tuyến thứ hai - thứ ba bị đẩy ra để đối mặt với súng và đạn - sống và chết. Nên chúng ta “bảo hộ” cho mọi người, “hy sinh” cho mọi người phần lớn cũng là vì bản năng “sinh tồn” ngấm ngầm thúc đẩy, dẫn dắt chứ không phải vì “tâm thức” của chúng ta đã được “chuyển hóa” thành công từ “vị kỷ” sang “vị tha”. Do đó, trong thời bình – trong những hoàn cảnh thuận lợi, chúng ta luôn “đó kỵ” nhau, giành giật với nhau, giận hờn nhau để hơn thua những món lợi “vật chất” và “hư danh”.

Vì đâu? Vì bản ngã. Vì những “cái tôi” phần lớn chưa hề được chuyển hóa một chút nào trong tất cả chúng ta.
Người kiêu mạn thì “chấp giữ” vào những thành công của mình để rồi không muốn ai “soán ngôi” nên sinh tâm “đố kỵ”. Người tự tôn – mặc cảm thì luôn có “cảm giác” mình là người quan trọng và đặc biệt nên cũng chẳng muốn ai “hơn mình” – Mặc dù bản thân chẳng có gì đặc biệt. Vậy nên, tự ti hay tự tin “mất kiểm soát” đều là nguyên nhân làm bộc phát những “ung nhọt đố kỵ”.

(*)

Chúng ta rất dễ bịa đặt, nói xấu, công kích - chỉ trích sai sự thật để hạ uy tín những người chúng ta “đố kỵ” – bất chấp người đó đang là chỗ dựa của rất nhiều người - bất chấp sự “gian dối” của ta có tác động rất xấu tới mọi người. Nếu lòng đố kỵ được nuôi dưỡng trong một tâm hồn ác độc thì chúng ta sẽ chẳng ngại ngần mà sẵn sàng mưu hại người khác bằng tất cả những thủ đoạn hèn hạ nhất. Nếu lòng đố kỵ được nảy nở trong một con người rẫy đầy “tự ái” thì chẳng mấy chốc mà chúng ta biến thành một ác quỷ hung hiểm, dữ dằn – Bất chấp lý lẽ, bất chấp nhân tâm, chỉ một lòng thỏa mãn ý muốn riêng của mình bằng mọi giá.  

Do dung dưỡng quá nhiều “ý niệm” xấu, do tạo tác quá nhiều “hành vi” xấu nên nếu chúng ta ôm ấp tâm “đố kỵ" quá dày, quá lâu mà cũng không có “ý định” xả bỏ thì rồi mọi chuyện chúng ta làm đều sẽ tới lúc bị mọi người phát giác – Rồi cũng tới lúc chúng ta bị tất cả mọi người chối bỏ, quay lưng. Thêm vào đó, điều xấu chúng ta gây ra không những “phá nát” tâm hồn ta - xô đẩy ta vào vực sâu tăm tối mà còn trở thành một loại “phân bón” với tỷ lệ dinh dưỡng tốt nhất “giúp” cho “hoa trái” đức hạnh và thành công sinh sôi, nảy nở không ngừng trong tâm hồn và cuộc sống của những người có bản lĩnh và tài năng thực sự - Đúng như những gì Bác Hồ đã khẳng định: “Bão tố là một cơ hội tốt để các loài Thông – Bách phô bày sức mạnh và sự vững vàng của chúng.”
Do hao tổn quá nhiều tâm sức và thời gian cho những điều xấu ác, nên nếu chúng ta chọn con đường chung sống với nội tâm “đố kỵ” thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được tài năng, thành công hay hạnh phúc trong cuộc đời. Sự thâm hiểm và lòng ác độc sẽ “đẩy lùi” mọi thân nhân, quyến thuộc, bạn bè, cộng đồng, xã hội ra khỏi chúng ta. Luật Pháp sẽ phán xử chúng ta như thế nào - Xã hội sẽ đối xử với chúng ta như thế nào chưa rõ. Chỉ biết rằng luật Nhân Quả công bằng sẽ không bao giờ khoan dung với chúng ta.

Vậy nên, khi đã thành công rồi và thậm chí là khi chưa có bất cứ điều gì trong tay, tất cả chúng ta cũng phải luôn có ý thức sẵn sàng ứng phó, “đối trị” để rồi “hóa giải” cho bằng được nội tâm “đố kỵ” của lòng mình - Phải luôn chân thành mong mỏi, “cầu nguyện” cho tất cả mọi người được giỏi giang, tài năng và thành công hơn mình.

(*)
Hãy cứ tưởng tưởng, nếu chúng ta sống trong một xã hội toàn người “nghèo” mà chỉ ta là “khá” nhất thì chúng ta sẽ đau khổ biết bao. Làm sao chúng ta có thể san sẻ, giúp đỡ được tất cả mọi người? Mà “bần cùng sinh đạo tặc” – Nếu cuộc sống của mọi người càng khó khăn, càng đau khổ, càng bất hạnh thì cuộc sống của chúng ta càng trở nên “mong manh” bởi vô số những “đạo tặc” trực chờ. Ngược lại, nếu ta là người “nghèo nhất” trong số những người “giàu nhất” thì chỉ cần đi “lượm rác” hay “xin đồ cũ” của họ thôi thì cũng đã quá đủ để đời sống của chúng ta “tung bay” - “cất cánh”!. Vậy nên, tại sao lại không “cầu nguyện” cho tất cả mọi người đều “hơn” ta thật nhiều? Tại sao lại không “hạnh phúc” khi nhìn thấy thật nhiều những người “hơn” ta?

Hãy khen ngợi nhiều hơn chê bai, hãy giúp đỡ nhiều hơn “quấy phá”, hãy khích lệ nhiều hơn “vùi dập”, hãy “ngưỡng mộ” thật lòng thay vì nói xấu sau lưng, v.v… - Ở đâu có người tài giỏi thì phải tìm tới để chân thành học hỏi, giúp đỡ - phụ trợ họ tất cả những gì có thể để họ được thuận lợi mà “tăng trưởng” tài năng - Đồng thời phải “thông tin” rộng rãi cho thật nhiều người về “họ” để tất cả mọi người cùng biết và cùng được đến để tận hưởng “hồ nước mát trong” đó với mình.

Tóm lại là tất cả chúng ta hãy cùng nhau góp công, góp sức để cuộc đời ngày càng có nhiều những tài năng xuất chúng – Luôn có cơ hội và luôn sẵn sàng đem “tài năng” phục sự cuộc đời.
(*)

Người có tài, có đức là người cống hiến được rất nhiều điều ích lợi cho cuộc đời mà trong đó có cả ta. Nhưng mỗi chúng ta thường chỉ bận lòng mưu toan về những thứ danh vọng, địa vị, tiền bạc cho riêng  mình để rồi “ngu khờ”, “dại dột” mà sinh tâm “đố kỵ” – Muốn “bóp chết” những cá nhân tốt và những Thánh nhân của cuộc đời.

Do vậy, để tránh phạm phải sai lầm - Để không bị trừng phạt đau đớn bởi luật Nhân Quả công bằng, tất cả chúng ta phải từng ngày, từng giờ “phát nguyện” trừ bỏ tâm tham lam – mong cầu tiền tài, danh vọng, địa vị hư ảo của thế gian từ nhiều đời nhiều kiếp đã len lỏi, chen chúc, phủ giăng trong tâm hồn ta bởi “vô minh” (si mê - u tối) và “chấp ngã” (cái tôi ích kỷ).
Trong đời sống phải “tinh tấn” học hỏi giáo Pháp cho thật nhiều – Để những lời dạy của Đức Phật tháo gỡ từng bước những “cách nghĩ” sai lầm của ta, gieo trồng – tưới tẩm từng bước những hạt giống lành thiện trên mảnh đất tâm (tâm địa) của ta. Phải dấn thân vào lao động – phụng sự mọi người cho thật nhiều để qua “đụng độ” – “va chạm” mà cái “bản ngã” đầy tham sân của ta bị “lòi” ra – tạo điều kiện thuận lợi cho việc “cắt bỏ”. Phải “tinh tấn” nhiếp tâm trong thiền định, tìm đến sự tĩnh lặng nội tâm để từng bước có trí tuệ “thấy rõ lỗi mình" ngay từ khi chưa “sinh khởi” mà dễ dàng nhổ bỏ tận gốc - Mặc dù ta còn quá nhiều kém dở và con đường thiền thì quá nhiều gian nan.





0 comments:

Post a Comment